Đờn ca tài tử từ lâu đã trở thành một nét văn hóa độc đáo của người dân miền Tây Nam Bộ. Ra đời từ cuối thế kỷ 19, loại hình nghệ thuật này được phát triền từ nhạc cung đình Huế kết hợp với dân ca miền Nam. Với giai điệu sâu lắng, lời ca thường xoay quanh tình yêu quê hương, đất nước, và cuộc sống đời thường, đờn ca tài tử đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2013. 

Người góp phần giúp đờn ca tài tử trở nên nổi tiếng đó chính là nhạc sĩ Cao Văn Lầu, với bài vọng cổ nổi tiếng là Dạ Cổ Hoài Lang - một bản nhạc đỉnh cao của dòng nhạc tài tử, được xem là tiền thân của vọng cổ – dòng nhạc gắn liền với cải lương. Sự nghiệp của Cao Văn Lầu không chỉ ghi dấu bởi những sáng tác âm nhạc, mà còn bởi những đóng góp trong việc truyền bá và giữ gìn nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ. Để tỏ lòng biết ơn và ghi nhận những cống hiến của ông, người dân Bạc Liêu đã xây khu tưởng niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Đây là nơi lưu giữ nhiều tư liệu quý giá về cuộc đời và các sáng tác của ông. Bên cạnh đó là quá trình phát triển của loại hình đờn ca tài tử Nam Bộ. Hãy cùng Ztravel tìm hiểu về khu tưởng niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu.

 


1. Giới thiệu về Khu Tưởng Niệm Cố Nhạc Sĩ Cao Văn Lầu

Khu tưởng niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu tọa lạc tại phường 2, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Đây là nơi tưởng nhớ cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu (1892–1976), người đã có đóng góp to lớn cho nền âm nhạc Nam Bộ, đặc biệt là sự ra đời của bản "Dạ cổ hoài lang" – tiền thân của nghệ thuật cải lương ngày nay.

Khu đất trước vốn là nơi an nghỉ của gia đình cố nhạc sĩ, nhưng sau đó tu bổ và xây dựng thêm các hạ tầng như nhà trưng bày Đờn ca tài tử, nhà trưng bày cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu,… để tổ chức các sự kiện quan trọng và đón tiếp các du khách yêu đờn ca tài tử tử khắp nơi. Khu tưởng niệm rộng lớn, nằm trong khuôn viên cây xanh thoáng mát, không chỉ là nơi lưu giữ những tư liệu quý về cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ mà còn là một địa điểm giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ. Năm 2012, khu lưu niệm được bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

diem-den-du-lich-tim-hieu-van-hoa-don-ca-tai-tu-tai-khu-tuong-niem-co-nhac-si-cao-van-lau-145
Toàn cảnh khu tưởng niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Vào những dịp lễ hội hoặc kỷ niệm ngày mất của nhạc sĩ, khu tưởng niệm còn tổ chức các buổi biểu diễn nghệ thuật đờn ca tài tử, thu hút sự tham gia của nhiều nghệ sĩ và người yêu âm nhạc truyền thống. Đây là một hoạt động góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật này.

 

2. Kiến trúc và không gian khu tưởng niệm

Khu tưởng niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu ở Bạc Liêu là một công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc, nhằm tôn vinh cuộc đời và sự nghiệp của người nhạc sĩ tài hoa. Khu tưởng niệm được thiết kế với nhiều hạng mục đặc sắc, kết hợp hài hòa giữa nét truyền thống và hiện đại, tạo nên một không gian văn hóa tinh tế.

 

Tượng đài ống tre: 

Tượng đài được đặt sừng sững ngay chính giữa khu lưu niệm, phía sau đài phun nước. Tượng đài được thiết kế theo hình dạng chiếc đàn kìm – biểu tượng của đờn ca tài tử nam bộ. Đàn kìm được cách điệu từ đốt tre, phần đàn kìm được đục lõm tạo sự huyền bí, thiêng liêng, gợi lên sự hoài niệm và tưởng nhớ về những người đã khuất. Đây cũng là nơi du khách thắp hương tưởng niệm.

diem-den-du-lich-tim-hieu-van-hoa-don-ca-tai-tu-tai-khu-tuong-niem-co-nhac-si-cao-van-lau-145
Đàn kìm được cách điệu từ đốt tre

Tượng đài nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Bức tượng đồng lớn của nhạc sĩ Cao Văn Lầu được đặt trang trọng tại trung tâm khu tưởng niệm. Phía sau lương tượng là tác phẩm Dạ cồ Hoài Lang – tác phẩm gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp của ông. Tượng thể hiện hình ảnh ông ngồi ôm cây đàn, tượng trưng cho tình yêu và tâm huyết với âm nhạc tài tử. Đây là điểm nhấn chính của khu tưởng niệm, thu hút sự chú ý của du khách.

diem-den-du-lich-tim-hieu-van-hoa-don-ca-tai-tu-tai-khu-tuong-niem-co-nhac-si-cao-van-lau-145
Tượng đài nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Khu vực trưng bày hiện vật của cố nhạc sĩ

Công trình này là nơi lưu giữ và trưng bày các hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, bao gồm các tư liệu, nhạc cụ, và hình ảnh về bản "Dạ cổ hoài lang". Khu vực này giúp khách tham quan hiểu rõ hơn về sự đóng góp to lớn của ông cho âm nhạc Nam Bộ.

diem-den-du-lich-tim-hieu-van-hoa-don-ca-tai-tu-tai-khu-tuong-niem-co-nhac-si-cao-van-lau-145
Khu vực trưng bày hiện vật của cố nhạc sĩ

Nhà biểu diễn nghệ thuật truyền thống:

Đây là nơi thường xuyên tổ chức các buổi biểu diễn đờn ca tài tử, vọng cổ và cải lương, giúp bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật này. Nhà biểu diễn có thiết kế trang nhã, mang không khí gần gũi của nghệ thuật dân gian. Du khách có cơ hội thưởng thức những bản đờn ca tài tử do các nghệ nhân địa phương biểu diễn, cảm nhận rõ nét sự da diết, sâu lắng và tình cảm của con người Nam Bộ qua từng giai điệu.

 

Khuôn viên rộng lớn với sân vườn xanh mát

Khu tưởng niệm được bao quanh bởi không gian sân vườn với cây xanh và hồ nước, tạo nên một bầu không khí yên bình và thư giãn, giúp du khách có thể thưởng ngoạn cảnh quan và hòa mình vào không gian văn hóa Nam Bộ. Giữa khuôn viên là khu vườn nhạc cụ được làm bằng đá xanh, đây là các loại nhạc cụ của đờn ca tài tử nam bộ như sáo, đàn cò, đàn tranh, đàn bầu, …

diem-den-du-lich-tim-hieu-van-hoa-don-ca-tai-tu-tai-khu-tuong-niem-co-nhac-si-cao-van-lau-145
Công viên các biểu tượng các loại nhạc cụ

Đài lưu niệm đờn ca tài tử Nam Bộ

Khu tưởng niệm cũng dành một không gian đặc biệt để trưng bày và giới thiệu về nghệ thuật đờn ca tài tử, với các hiện vật như đàn kìm, đàn tranh, đàn bầu, thể hiện tinh hoa của văn hóa âm nhạc Nam Bộ. Công trình này biểu tượng cho sự phát triển và giá trị của đờn ca tài tử, loại hình nghệ thuật đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

 

3. Tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Nhạc Sĩ Cao Văn Lầu

Cao Văn Lầu, còn được gọi là Sáu Lầu, là một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất đến sự phát triển của âm nhạc truyền thống Nam Bộ. Ông sinh ra ở mảnh đất Long An nhưng theo gia đình xuôi về miền tây và dừng chân sinh sống tại Bạc Liêu, từ nhỏ đã có niềm đam mê sâu sắc với âm nhạc và được cố nhạc sĩ Lê Tài Khí hướng dẫn và phát triển. Sự nghiệp âm nhạc của ông gắn liền với việc sáng tác và biểu diễn những bản nhạc đờn ca tài tử.

diem-den-du-lich-tim-hieu-van-hoa-don-ca-tai-tu-tai-khu-tuong-niem-co-nhac-si-cao-van-lau-145
Tượng sáp cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu sống động

Năm 1919, khi gặp biến cố gia đình, ông sáng tác Dạ cổ hoài lang, một tác phẩm nổi tiếng đánh dấu bước ngoặt lớn trong âm nhạc Nam Bộ, được xem là tiền thân của cải lương. Từ một bản nhạc với âm luật cổ mà đã biến đổi thành nhiều dị bản, trở thành một di sản cộng đồng, và được xem là “bài hát vua” của cải lương Nam Bộ. Bản nhạc này thể hiện nỗi lòng da diết, hoài vọng của người vợ chờ chồng đi xa, và từ đó đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa âm nhạc miền Tây.

 

4. Các điểm tham quan lân cận

Ngoài Khu tưởng niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, du khách cũng có thể kết hợp tham quan các địa điểm nổi tiếng khác tại Bạc Liêu như:

  • Nhà Công Tử Bạc Liêu: Một địa điểm du lịch nổi tiếng, gắn liền với câu chuyện về công tử Bạc Liêu xa hoa.
  • Cánh đồng điện gió Bạc Liêu: Nơi bạn có thể chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp với những cánh quạt gió khổng lồ giữa vùng đất mặn.
  • Chùa Xiêm Cán: Ngôi chùa Khmer nổi tiếng với kiến trúc độc đáo và không gian thanh tịnh.

Kết luận

Khu tưởng niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích âm nhạc truyền thống và muốn tìm hiểu về nền văn hóa đậm đà bản sắc của miền Tây Nam Bộ. Đến đây, du khách không chỉ được trải nghiệm không gian văn hóa âm nhạc đặc sắc, cảm nhận sâu sắc giá trị văn hóa của nhạc cải lương Nam Bộ mà còn hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp của một trong những nhạc sĩ có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. Những kỷ vật, tư liệu quý giá về nhạc sĩ và tác phẩm "Dạ cổ hoài lang" được trưng bày tại đây đã giúp người tham quan thêm tự hào về di sản âm nhạc dân tộc. Khu tưởng niệm là nơi tôn vinh không chỉ một con người mà còn là nơi lưu giữ, bảo tồn và truyền lại cho thế hệ sau tinh hoa của văn hóa truyền thống Việt Nam.