Cầu Rồng Đà Nẵng đóng vai trò như một giao điểm kì diệu, không những nối kết về mặt địa lý mà còn liên thông quá khứ với tương lai, dung hòa văn hóa truyền thống kết hợp cùng nguồn năng lượng tươi mới, hiện đại. Hình tượng Rồng Vàng uy nghiêm, vươn mình giữa bầu trời, lướt băng băng trên mặt sông Hàn đã biến công trình kiến trúc này vào hàng ngũ vĩ đại, viết nên câu chuyện về khát vọng thịnh vượng, vươn xa của con người nơi đây.

“Lai lịch” cầu Rồng Đà Nẵng

Được khởi công xây dựng vào ngày 19/7/2009, trải qua gần 4 năm kiến thiết, vào hôm 29 tháng Ba năm 2013, nhân dịp kỷ niệm 38 năm ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng, cầu Rồng đã chính thức được cho phép lưu thông với 6 làn đường xe chạy. Cây cầu có tổng chiều dài 666m, rộng 37.5m và cao 53m, với tổng kinh phí xây dựng lên đến gần 1 nghìn 700 tỷ đồng.

Thiết kế “độc nhất vô nhị” của cầu Rồng là kết quả từ cuộc tranh tài diễn ra năm 2005, do Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng tổ chức. Với mục đích không chỉ làm ra một công trình phục vụ đi lại, mà còn phải biến tạo tác này thành biểu tượng mới của thành phố, đảm bảo được các yếu tố về văn hóa, mỹ thuật lẫn kiến trúc. Dự án này cũng phải đáp ứng một điều kiện đặc biệt là không làm ảnh hưởng đến Bảo tàng Điêu khắc Chăm, tránh tình trạng cầu ở trên mà bảo tàng ở dưới gầm cầu.

Xuất sắc vượt qua 15 phương án của các đại diện đến từ những công ty Việt Nam, Nhật, Đức, đề xuất của tập đoàn Louis Berger (Mỹ) đã được phê duyệt với thiết kế cầu dạng vòm thép, “cõng” theo con rồng trên lưng, có hầm bộ hành để đi qua mà vẫn đảm bảo không có phần gầm cầu che phủ phía trên Bảo tàng Điêu khắc Chăm.

diem-den-du-lich-cau-rong-da-nang-khat-vong-vuon-xa-cua-thanh-pho-bien-163
Một phần bảng thiết kế cầu Rồng. Ảnh: Nguyễn Đông

“Mổ xẻ” cấu trúc của cầu Rồng Đà Nẵng

Trúng thầu là thế nhưng nhóm kỹ sư Mỹ chỉ đưa ra được ý tưởng cho thân cầu mà không mường tượng được phải thiết kế cho đầu và đuôi rồng như thế nào. Bản phác thảo từ phía họ đưa ra lại có phần giống với hình tượng “rồng phương Tây” hơn, với thiết kế rồng 6 chân, cầu 2 trụ, trông khá đồ sộ và thô kệch.

Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng trong quá trình hỗ trợ thiết kế cầu đã tìm hiểu nhiều tư liệu qua các giai đoạn lịch sử Việt Nam và cuối cùng đi đến quyết định lựa chọn hình tượng rồng thời Lý. Đầu rồng cao 10m, đôi mắt hình trái tim sáng tạo; thân dài 15m, nặng 40 tấn và đuôi rồng là hình ảnh bó sen nở rộ.

diem-den-du-lich-cau-rong-da-nang-khat-vong-vuon-xa-cua-thanh-pho-bien-163
Phần đầu cầu Rồng Đà Nẵng vào buổi sáng
diem-den-du-lich-cau-rong-da-nang-khat-vong-vuon-xa-cua-thanh-pho-bien-163
Phần đuôi cầu rồng với hình ảnh bông sen nở rộ, đặc trưng của hình tượng Rồng thời Lý

Cầu Rồng ở đâu? Địa chỉ và ích lợi giao thông mang lại

Song song cùng 5 cây cầu khác bắc qua sông Hàn, cầu Rồng có địa chỉ tại đường Nguyễn Văn Linh, phường Phước Ninh, quận Hải Châu; thiết lập nên tuyến đường ngắn nhất, tiết kiệm thời gian nhất đi từ sân bay quốc tế Đà Nẵng tới các trục đường chính. Cùng với đó, cây cầu này còn tạo ra tuyến đường di chuyển trực tiếp đến bãi biễn Mỹ Khê, bãi biển Non Nước nằm ở rìa phía đông thành phố.

Như vậy, không chỉ đóng vai trò chiến lược trong hệ thống giao thông, công trình này còn góp phần thúc đẩy phát triển đa lĩnh vực, kích cầu du lịch Đà Nẵng, tạo điều kiện đưa đón du khách đến với những địa danh nổi tiếng của thành phố. Chỉ cần vài phút di chuyển, bạn đã có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ của Ngũ Hành Sơn hay đắm mình trong làn nước của bãi biển Mỹ Khê xanh mát.

diem-den-du-lich-cau-rong-da-nang-khat-vong-vuon-xa-cua-thanh-pho-bien-163
Cầu Rồng là một trong 6 cây cầu chính bắc qua sông Hàn, bao gồm: cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, Cầu Nguyễn Văn Trỗi, cầu quay sông Hàn, cầu Thuận Phước, cầu Tiên Sơn

Lịch phun lửa và phun nước ở cầu Rồng Đà Nẵng

Thiết kế đặc biệt của cầu Rồng còn cho phép “rồng ta” có khả năng biến hóa linh hoạt thành rồng phun lửa, rồng phun nước kì ảo. Diễn ra vào mỗi tối thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần cùng các ngày lễ lớn, cầu Rồng sẽ bắt đầu phun lửa vào đúng 21 giờ, kéo dài trong 3 phút; và rồi phun nước ngay sau đó trong 15 phút nhờ hệ thống phun nước thủy lực.

Cũng vào lúc này, hơn 2500 điểm đèn LED trải dài khắp thân rồng đã “vào ca” hoạt động, trang hoàng thêm cho giao diện rồng vàng vẻ lung linh, sắc sảo, ánh lên giữa màn đêm Đà Nẵng huyền ảo, lập lòe ánh xanh đỏ. Nếu như còn chưa biết đi đâu, chơi gì vào buổi tối ở Đà Nẵng? Bạn có thể cân nhắc tản mạn trên phố đi bộ Bạch Đằng, nơi có tràn ngập các hoạt động ăn uống vui chơi giải trí, nghệ thuật, âm nhạc đường phố, ảo thuật, trò chơi dân gian,… ngắm cầu Rồng về đêm.

diem-den-du-lich-cau-rong-da-nang-khat-vong-vuon-xa-cua-thanh-pho-bien-163
Cầu Rồng phun lửa (trái) và phun nước, người dân và khách du lịch tụ tập đến xem mỗi tối cuối tuần

Cầu Rồng từ khi khởi công xây dựng cho tới khi cắt băng khánh thành đã được định đoạt để trở thành biểu tượng mới của thành phố, đại diện cho khát vọng bay cao, bay xa, vươn ra biển lớn của không chỉ “khúc ruột” miền Trung thân thương mà còn là toàn vẹn cả lãnh thổ hình chữ S. Còn chần chờ gì nữa, hãy lên lịch du ngoạn Đà Nẵng ngay hôm nay, với lịch trình 3 ngày 2 đêm Đà Nẵng - Sơn Trà - Bảo Tàng Phật Học - Rừng Dừa Bảy Mẫu - Phố Cổ Hội An - Bà Nà Núi Chúa vô cùng hấp dẫn.